THÔNG TIN ĐỀ CỬ
Dự án Ethnicity Vietnam khởi nguồn từ năm 2018 và được chọn là một trong 10 dự án trong khối ASEAN được trực tiếp trình bày với nguyên Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Trong năm 2019, Ethnicity Vietnam được Quỹ ASEAN đề cửvà trở thành thành viên chính thức của Social Innovation Warehouse. Cùng với đó, dự án đã được trình bày tại Diễn đàn thanh niên quốc tế UNESCO tại Trung Quốc cũng như giới thiệu tại Phiên họp của Ủy ban Di sản thế giới lần thứ 43 ở Baku, Azerbaijan.
Từ năm 2018 - 2023, Ethnicity Vietnam xây dựng 4 thư viện số hóa hoa văn của 13 dân tộc. Nhờ đó, các hoa văn này có thể tiếp cận với đời sống đương đại dễ dàng hơn bằng nhiều hình thức khác nhau và có thể truy xuất được nguồn gốc, ý nghĩa hoa văn đó. Đến 2023, đã có 500 hoa văn được bảo tồn, 100 hoa văn phát triển, 100 ứng dụng hoa văn và 50 tranh minh họa đời sống dân tộc đã được lưu trữ.
Cùng sứ mệnh bảo tồn, Ethnicity Vietnam cũng chú trọng việc phát triển thanh niên đồng bào các dân tộc thiểu số thông qua nhiều chương trình trao đổi, huấn luyện nhằm trang bị các công cụ cần thiết, để thế hệ trẻ dần trở thành người dẫn dắt, phát triển cộng đồng, đặc biệt bảo tồn, gìn giữ những nét đẹp văn hóa.
Văn hóa Việt Nam đa dạng nhờ có sự tổng hòa từ nền văn hóa của 54 dân tộc anh em. Tuy nhiên, mới chỉ có văn hóa của tộc người Việt (người Kinh) được phổ biến và chú ý nhiều hơn cả. Chính vì lẽ đó, dự án Ethnicity Vietnam đã ra đời vào năm 2018 nhằm bảo tồn và đưa hoa văn dệt thổ cẩm - nét đẹp đặc trưng của các đồng bào dân tộc thiểu số đến gần hơn với mọi người bằng hình thức mỹ thuật số hóa các hoa văn.
Bằng cách ứng dụng phần mềm đồ họa (trong đó chủ yếu là Adobe Illustrator), Ethnicity Vietnam đã tiến hành số hóa lại hoa văn thổ cẩm theo từng mũi dệt, sợi chỉ để đảm bảo thư viện lưu trữ chính xác và hiệu quả nhất. Đồng thời, dự án cũng tiếp tục phát triển các hoa văn mang yếu tố đương đại nhưng vẫn giữ được bản sắc của từng dân tộc.
Bản thân tên gọi “Ethnicity” bắt nguồn từ hai thành tố - Ethnic là dân tộc và City là thành thị. Điều này cũng bày tỏ khát vọng chính của dự án là mang những nét đẹp văn hóa dân tộc, đặc biệt là hoa văn thổ cẩm đến gần hơn với thành thị, với giới trẻ. Những tấm thổ cẩm có thể cũ đi, những hình ảnh, hoa văn có thể phai mờ theo năm tháng, nhưng những hình ảnh, file vẽ được lưu trữ là hình thức bảo tồn cũng như lan tỏa và ứng dụng trong cuộc sống đương đại dễ dàng hơn.
Đặc biệt chuỗi dự án "Chuyện người muôn năm cũ" được thể hiện qua những thước phim ngắn không chỉ nói về nghề dệt mà còn thể hiện vẻ đẹp của người làm nghề qua công việc, tình cảm của họ cũng như nói lên thực trạng truyền thống dần mất đi. Những thước phim cũng giúp lưu trữ những hình ảnh nội dung tạo tư liệu phục vụ cho công việc nghiên cứu văn hóa.
Mục tiêu hiện tại của Ethnicity Vietnam là thực hiện được bộ hoa văn của 53 dân tộc trên 63 tỉnh thành của Việt Nam và xây dựng chuỗi phim câu chuyện về giá trị của những tấm thổ cẩm truyền thống, những tâm tư tình cảm của những người dệt yêu nghề, yêu văn hóa địa phương trong đời sống hiện nay.
Chị Phương Quyên - một thành viên của dự án cũng cho hay: “Hiện nay, nghề dệt còn khá ít và dần biến mất ở các thế hệ sau nên những câu chuyện với nghề chỉ có thể nghiên cứu từ ông bà lớn tuổi trong làng. Đó là lý do Ethnicity Vietnam mong muốn hoàn thành thư viện đầy đủ của 53 dân tộc càng sớm càng tốt vì thời gian không đợi ai và càng lâu thì sẽ càng thất truyền và khó thu thập. Với hình thức số hóa hoa văn, chúng mình cũng mong muốn những người trẻ trong cộng đồng có thể chung tay cùng vẽ để lưu trữ, bảo tồn các hình thức hoa văn của dân tộc.”